CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN ĐÔNG HƯNG

http://donghungcorp.com


100 dự án PPP tại TP.HCM đang kêu gọi đầu tư

Tại TP.HCM, hơn 200 dự án PPP với tổng mức đầu tư hàng trăm nghìn tỷ đồng đã và đang kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP. Rất nhiều nhà đầu tư lớn thể hiện sự quan tâm đến các dự án này.
 
bat dong san
Hiện có hàng trăm nhà đầu tư trong và ngoài nước đã và đang nghiên cứu đầu tư vào các dự án PPP trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: Nhã Chi
 
Nhiều nhà đầu tư quan tâm đến dự án PPP
 
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM cho biết, hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 20 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư đã hoàn tất ký kết hợp đồng dự án và triển khai thực hiện với tổng mức đầu tư khoảng 67 nghìn tỷ đồng, chủ yếu thuộc lĩnh vực giao thông và môi trường.
 
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, trong số 20 dự án này, có 10 dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng BT, 9 dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT và 1 dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng BOO.
 
Bên cạnh đó, hiện có 105 dự án ở các bước nghiên cứu lập đề xuất dự án, lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, lựa chọn nhà đầu tư, đàm phán ký kết hợp đồng dự án, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng mức đầu tư khoảng 356 nghìn tỷ đồng. Trong đó, khoảng trên dưới 70% là thực hiện theo hình thức BT. Lĩnh vực đầu tư đa dạng, gồm giao thông, cảng biển, môi trường, chung cư, chỉnh trang đô thị, thương mại dịch vụ, giáo dục, y tế, văn hóa thể thao…
 
Ngoài ra, TP.HCM còn danh mục khoảng 100 dự án PPP đang kêu gọi đầu tư. Các dự án này trên các lĩnh vực giao thông, môi trường, y tế, văn hóa, giáo dục với tổng mức đầu tư trên dưới 130 nghìn tỷ đồng. Trong danh mục này có rất nhiều dự án nghìn tỷ, như Dự án Di dời các hộ dân sống ven và trên kênh rạch Quận 8 có tổng mức đầu tư dự kiến 13.000 tỷ đồng; Tỉnh lộ 15 (từ cầu Xáng đến cầu Bến Nảy) hơn 3.100 tỷ đồng; Dự án Bệnh viện An Bình 1.000 tỷ đồng; Dự án Khu phức hợp sân tập đa năng kết hợp Nhà khách cho chuyên gia và khách sạn tại Quận 11, tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng…
 
Qua thống kê sơ bộ của Sở KH&ĐT TP.HCM, đến tháng 11/2016, số lượng các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã và đang nghiên cứu đầu tư vào các dự án PPP của Thành phố là 143 nhà đầu tư. Trong đó có một số tên tuổi quen thuộc như: Công ty CP đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII), Công ty CP Xi măng Hà Tiên 1, Công ty CP Xây dựng Trung Nam, Công ty CP Đức Khải, Công ty CP Quốc Cường Gia Lai và Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên,… 
 
Gỡ vướng cho dự án PPP
 
Các dự án theo hợp đồng BT chiếm tỷ trọng lớn trong các dự án PPP tại TP.HCM. Tuy nhiên, cơ chế thanh toán theo hợp đồng BT theo quy định hiện hành chỉ được thanh toán bằng quỹ đất là một trong những trở ngại đối với việc thực hiện nhiều dự án theo hình thức này. Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết, hiện quỹ đất đối ứng cho các dự án BT tại TP.HCM đang rất hạn hẹp.
 
Trong một báo cáo gửi Bộ KH&ĐT, TP.HCM kiến nghị bổ sung thêm một số phương thức thanh toán khác (không sử dụng ngân sách) phù hợp với thực tế triển khai cụ thể như quyền khai thác quảng cáo, khai thác thương mại các công trình khác,… Qua nghiên cứu, Sở KH&ĐT TP.HCM cho biết, các dự án metro theo hình thức PPP ở Thái Lan có doanh thu đến từ việc thu phí quảng cáo lên đến 30% tổng doanh thu, chứng tỏ đây là một nguồn thu có tiềm năng để khai thác, phát triển các dự án PPP. Hiện nay, tiềm năng để khai thác nguồn thu này ở TP.HCM là rất lớn.
 
Bên cạnh đó, các dự án do nhà đầu tư tự đề xuất chiếm tỷ trọng lớn trong số các dự án PPP, nhưng theo quy định hiện hành, vốn nhà nước chỉ được sử dụng để tham gia thực hiện dự án do bộ, ngành, UBND cấp tỉnh đề xuất hoặc dự án thuộc đối tượng sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.
 
Sở KH&ĐT TP.HCM cho biết, thực tế triển khai kêu gọi đầu tư cho thấy, có một số dự án do nhà đầu tư đề xuất nhưng vẫn cần sử dụng đến phần vốn góp của Nhà nước, cụ thể là đối với các dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải và đường ống chuyển tải nước thải. Tổng vốn đầu tư và chi phí vận hành đối với các dự án này rất lớn (thường trên 5.000 tỷ đồng), nhưng nguồn thu của dự án rất nhỏ, không thể đảm bảo việc thu hồi vốn cho nhà đầu tư.
 
Được biết, trong định hướng sửa đổi Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức PPP, Ban soạn thảo đã có định hướng sửa đổi về 2 vướng mắc trên của TP.HCM cũng như một số địa phương khác.
 
Trong đó, định hướng bổ sung phương thức thanh toán cho dự án BT bằng dự án khác (không trực tiếp bằng tiền) như cho phép chuyển nhượng quyền khai thác quảng cáo; tạo điều kiện kinh doanh các công năng bổ sung của công trình; cho phép khai thác thương mại các công trình/dự án khác; cho phép địa phương thanh toán bằng các mỏ vật liệu, khoáng sản;…
 
Ban soạn thảo cũng đề xuất cho phép nhà đầu tư đề xuất dự án có nhu cầu sử dụng vốn nhà nước (bao gồm cả trường hợp đề xuất dự án áp dụng loại hợp đồng BLT, BTL) trong trường hợp các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chủ động bố trí được nguồn ngân sách của mình hoặc nguồn thu hợp pháp khác với điều kiện để đảm bảo tính cân đối của tổng nguồn chung cũng như đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tổng thể của địa phương hoặc ngành mình quản lý.
 
TP.HCM còn danh mục khoảng 100 dự án PPP đang kêu gọi đầu tư. Các dự án này trên tất cả các lĩnh vực giao thông, môi trường, y tế, văn hóa, giáo dục, với tổng mức đầu tư trên dưới 130 nghìn tỷ đồng.
Việt Thắng (Đấu thầu)