CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN ĐÔNG HƯNG

http://donghungcorp.com


Sớm xử lý 500 dự án chậm triển khai ở TP Hồ Chí Minh

Mặc dù lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ quyết tâm thu hồi các dự án chậm triển khai, tuy nhiên, đến nay, thành phố vẫn còn hơn 500 dự án “treo” gây khó khăn cho đời sống và sản xuất của hàng nghìn hộ dân.
 
dat thu hoi
Khu đất rộng 485 ha tại ấp Bàu Bưng, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi đã bị bỏ hoang hóa nhiều năm do nằm trong quy hoạch dự án Công viên Sài Gòn Safari. Ảnh: Vũ Nguyên
 
Mặc dù lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ quyết tâm thu hồi các dự án chậm triển khai, tuy nhiên, đến nay, thành phố vẫn còn hơn 500 dự án “treo” gây khó khăn cho đời sống và sản xuất của hàng nghìn hộ dân.
 
Hoang hóa những vùng đất màu mỡ
 
Đã gần 10 năm trôi qua, gia đình ông Cao Văn Phát (53 tuổi, ngụ tại xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn) phải sống tạm bợ trên chính mảnh đất rộng hàng nghìn m2 mà cha ông để lại. Trước đây, vùng đất này vốn màu mỡ, trồng cây gì cũng xanh tốt, cho năng suất cao.
 
Tuy nhiên từ khi gia đình ông cũng như hàng nghìn hộ dân khác biết tin đất đai, nhà cửa nằm trong vùng quy hoạch để triển khai dự án Khu đô thị Đại học Quốc tế thì việc canh tác gặp rất nhiều khó khăn. Ông Phát không dám đầu tư trồng cây gì dài ngày, cho thu hoạch cao vì sợ khi thu hồi sẽ không được bồi thường, sẽ mất cả vốn lẫn lời. Để sống qua ngày, một số người dân tại đây chỉ canh tác một số rau củ ngắn ngày; số khác để đất hoang hóa đi nơi khác kiếm sống.
 
Theo chính quyền huyện Hóc Môn, việc dự án Khu đô thị Đại học Quốc tế chậm triển khai đã làm xáo trộn cuộc sống của hàng nghìn hộ dân bởi diện tích của dự án này lên đến 900 ha, gần như bao trọn diện tích xã Tân Thới Nhì. Dự án do Công ty Berjaya Land Berhad của Ma-lai-xi-a làm chủ đầu tư, được thành phố cấp phép đầu tư từ năm 2008 nhưng sau gần 10 năm, đến nay dự án vẫn chỉ nằm trên bản vẽ.
 
Tương tự, ông Trần Văn Trai (ấp Bàu Bưng, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi) cho biết, nhiều năm nay người dân trong xã phải sống hết sức chật vật vì đất đai, nhà cửa bị quy hoạch để thực hiện dự án Công viên Sài Gòn Safari rộng 485 ha do Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn làm chủ đầu tư.
 
Ông đề nghị thành phố cần sớm triển khai dự án, nếu không khả thi thì cần trả lại cho người dân để sản xuất, phát triển kinh tế. Cuộc sống của người dân đang phát triển kinh tế ổn định, giờ bị kéo xuống đến đói nghèo. Không chỉ những huyện ngoại thành mới chịu cảnh dự án “treo”, ngay tại những quận đang có tốc độ đô thị hóa cao, giá đất tăng chóng mặt như Thủ Đức, quận 2, người dân cũng phải khổ sở vì những dự án "trùm mền".
 
Cụ thể, dự án Khu dân cư Tam Bình 2 (khu phố 2, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức) được phê duyệt quy hoạch từ năm 2003 nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai. Hàng trăm hộ dân nằm trong quy hoạch “dài cổ” chờ ngày dự án thực hiện. Dự án Ga Bình Triệu (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) được phê duyệt từ năm 2002 nhưng đến nay vẫn đang trong quá trình bố trí vốn để thực hiện.
 
Thống kê mới nhất của UBND quận 9 cho thấy, trên địa bàn quận có tới 200 ha đất thuộc dự án đang trong tình trạng "trùm mền". Phần nhiều trong số đó là các dự án thuộc các trường đại học (ĐH), trường chuyên ngành và trường cao đẳng, ký túc xá. Cụ thể: Trường ĐH Kiến trúc: quy mô 40 ha, Trường ĐH Kinh tế 50 ha, Trường ĐH Luật 30 ha, ĐH Marketing 15 ha, Nhạc viện thành phố 20 ha, Học viện Tư pháp 9 ha, Trường Đào tạo cán bộ ngành giáo dục thành phố 5 ha, Trường CĐ và ĐH Nguyễn Tất Thành 14 ha, Trường CĐ Tài chính Hải quan 21 ha… Trong số các dự án này, đến nay chỉ có Trường ĐH Luật đang lập hồ sơ triển khai dự án, còn một số trường khác vẫn chưa thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan dù đã được UBND thành phố Hồ Chí Minh giao đất.
 
Kiên quyết thu hồi
 
Thống kê của Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho thấy, hiện toàn thành phố có hơn 1.200 dự án đang còn hiệu lực triển khai. Tuy nhiên, có đến 502 dự án đang trong tình trạng “đắp chiếu, trùm mền”, chiếm 41,18% số dự án trên địa bàn. Nhiều dự án trong số này đã khởi động cả chục năm, nhưng vẫn “án binh bất động”.
 
Đánh giá về nguyên nhân các dự án treo, Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn cho rằng, có nguyên nhân doanh nghiệp tạm dừng để đánh giá lại nhu cầu của thị trường, nhưng cơ bản nhất vẫn là do doanh nghiệp gặp khó về vốn. Phó Chủ tịch UBND phường 28, quận Bình Thạnh Nguyễn Văn Bình cho biết: Hiện, khó khăn của người dân là liên quan đến xây dựng, sửa chữa nhà. Cũng do quy hoạch mà người dân bị vướng trong việc tách thửa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở. Về phía phường cũng giống như người dân ở địa phương, mong mỏi quy hoạch sớm được triển khai thực hiện để bà con sớm ổn định và an tâm trong cuộc sống.
 
Trao đổi với báo chí, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong khẳng định, quan điểm của UBND thành phố là không chấp nhận các dự án đã được cấp phép mà chậm triển khai, kéo dài, làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Các cơ quan chức năng gần đây đã kiểm tra, xử lý nhiều dự án cụ thể và từ đó cũng nhận thấy, người dân đã bị ảnh hưởng rất lớn đến công chuyện làm ăn, xây dựng nhà cửa không được thuận lợi.
 
Đầu năm 2017, UBND thành phố tiếp tục giao cho cơ quan chức năng xử lý đối với các dự án kéo dài. Việc này thành phố có thái độ hết sức kiên quyết, rõ ràng: nếu dự án không triển khai được thì phải thu hồi. Lãnh đạo thành phố cam kết sẽ xử lý quyết liệt trong thời gian nhanh nhất.
 
Để xóa bỏ tận gốc các dự án treo, chỉnh trang bộ mặt đô thị, lãnh đạo các địa phương và các chuyên gia đô thị đề xuất: Những dự án nào mà chủ đầu tư làm không được như cam kết thì cho thời hạn từ ba đến sáu tháng để kêu gọi đầu tư, nếu như không kêu gọi được thì phải xóa, trả lại đất cho người dân xây dựng theo quy hoạch, không thể để xảy ra tình trạng người dân tự phân lô, xây dựng tự phát. Trong trường hợp tìm được nhà đầu tư khác thì có thể cho họ làm lại quy hoạch mới hoặc theo quy hoạch cũ nhưng phải cam kết cụ thể thời gian thực hiện và phải ký quỹ. Nếu làm được điều này sẽ không còn dự án "treo" nữa.

Nguồn tin: cafeland.vn